Đến nay, diện tích nuôi ngao bãi triều ở 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải ( Thái Bình) tăng từ 850 ha (năm 2005) lên gần 1.300 ha. Sản lượng ngao thương phẩm của tỉnh đạt hơn 43.000 tấn, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động.
Vùng nuôi ngao bãi triều ở Thái Bình |
Từ kết quả đó, Thái Bình định hướng chiến lược phát triển nuôi ngao giai đoạn 2011 – 2015, trong đó tập trung triển khai quy hoạch nuôi ngao vùng bãi triều 2 huyện ven biển. Nhiều người dân nơi đây đã tỏ ra rất tin tưởng, phấn khởi, tính chuyện đầu tư nuôi thế nào để hiệu quả cao nhất.
Là một trong 2 huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, khi nói về kinh tế biển của Thái Thụy thì 3 lĩnh vực chính thường được nhắc đến là: nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản. Trong đó tiềm năng và triển vọng lớn là phát triển nuôi ngao với diện tích lên đến hàng ngàn ha. Thái Thụy có trên 27 km bờ biển, thiên nhiên ưu đãi cho một vùng bãi triều rộng lớn khá bằng phẳng với diện tích 9.000 ha, trong đó vùng có khả năng mở rộng nuôi ngao đạt khoảng 5.000 ha. Nhiều năm trước, địa phương đã tính đến chuyện đưa con ngao về nuôi thả, giúp người dân làm giàu, nhưng đến thời điểm này mới chỉ thành công ở vùng bãi triều ven biển khu vực Cồn Đen, xã Thái Đô. Hơn 100 hộ dân và 1 doanh nghiệp đầu tư nuôi thả với diện tích 175,5 ha.
Thực tế sản xuất 4 năm qua đã chứng minh: con ngao rất thích hợp với môi trường vùng bãi triều nơi đây, tỷ lệ sống cao, vỏ trắng sáng, béo mẩy, đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế rất cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Nuôi ngao đầu tư 1 có thể lãi 3, 4. Nếu nuôi tốt năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha. Nếu như năm 2008 tổng sản lượng thu hoạch ngao toàn huyện đạt 3.827 tấn cho giá trị 25,6 tỷ đồng thì năm 2011 sản lượng thu hoạch tăng lên đạt 6.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt 120 tỷ đồng. Mỗi ha nuôi ngao sau thu hoạch, trừ chi phí chủ đầm có thể lãi từ 500 đến 600 triệu đồng.
Từ những lợi ích thiết thực mà con ngao mang lại, Thái Thụy xác định: từ nay đến năm 2020, mở rộng diện tích vùng nuôi bãi triều ven biển sẽ là hướng đi tất yếu giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu tạo bước đột phá phát triển kinh tế biển của địa phương. Theo quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích mặt bằng vùng bãi triều của huyện đưa vào nuôi là 1.520 ha (trong đó diện tích thực nuôi là 1.300 ha), đến năm 2020 diện tích nuôi là trên 3.800 ha ( diện tích thực nuôi khoảng 3.320 ha) tại 5 tiểu vùng của 5 xã: Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Thượng, Thái Đô.
Bí thư Huyện ủy Thái Thụy Ngô Thị Mịn khẳng định: chủ trương mở rộng diện tích nuôi ngao vùng bãi triều ven biển ở Thái Thụy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, phát huy tốt hiệu quả nếu có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, đồng thuận thực hiện của người dân. Cùng với quy hoạch chung của tỉnh, của huyện, đến nay Thái Thụy đã công bố quy hoạch chi tiết nuôi ngao 2 tiểu vùng thuộc địa phận xã Thái Thượng và Thụy Trường với tổng diện tích quy hoạch gần 500 ha, vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng và đã hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc ngoài thực địa bảo đảm chia theo lô, theo thửa, có lối đi hợp lý, có diện tích dành cho người dân khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên.
Hiện Thái Thụy đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức đấu thầu, phấn đấu trong năm 2012 đưa vào nuôi thả; đồng thời hoàn thiện quy hoạch chi tiết các tiểu vùng còn lại. Quá trình xây dựng, công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới vùng nuôi ngao ngoài thực địa cũng như việc đấu giá trong thời gian tới sẽ tiến hành công khai, dân chủ. Việc cho thuê đất bãi triều sẽ thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, tạo điều kiện tối đa để người dân của địa phương vùng quy hoạch được đầu tư nuôi, sau đó mới tính đến các đối tượng khác. Hạn mức cho thuê quy định tối đa 2 ha đối với hộ gia đình và không quá 10 ha đối với tổ chức.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tân, cán bộ Phòng Nông nghiệp NPTNT huyện Thái Thụy, khó khăn nhất vẫn là bà con chưa chủ động được nguồn giống. Các cơ sở sản xuất giống tại địa phương mới chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều hộ chưa có kinh nghiệm nên khi gặp thời tiết bất lợi, ngao chết hàng loạt, tổn thất lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Hiện nay ở Thái Thụy tại khu vực cồn Đen, một doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 1 trại sản xuất giống ngao với sản lượng 7 tỷ ngao bột/năm; tại các vùng đầm nước lợ các xã Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng, nhiều hộ đã đầu tư ương ngao cúc với diện tích 10 ha, dự kiến năm 2012 sẽ tăng lên 20 ha. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ diện tích nuôi của huyện hiện nay. Để tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con mở rộng diện tích nuôi, thời gian tới tỉnh, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thu hút các thành phần kinh tế xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao trên địa bàn đồng thời cũng sẽ xây dựng mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và ương ngao giống tập trung trong đầm nước lợ; xây dựng, cải tạo nâng cấp trại sản xuất giống ngao, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở… bảo đảm đáp ứng phần lớn nhu cầu về giống cho diện tích đã được quy hoạch đến năm 2020. Tập trung nghiên cứu một số đề tài khoa học trong lĩnh vực nuôi ngao và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở giống ngao được tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo. Xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn kỹ thuật, quản lý đầu tư từ sản xuất giống, nuôi ngao thịt đến bảo quản sản phẩm cho các hộ nuôi ngao. Thường xuyên cử các cán bộ kỹ thuật bám sát vùng nuôi hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nuôi thả. Khuyến khích các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao để xuất khẩu tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị cho sản phẩm ngao nuôi. Thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp để sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện để các hộ gia đình hình thành các nhóm, tổ hợp tác nuôi ngao, giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ sản xuất.
Ông Đoàn Quang Vịnh, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Thái Bình cho biết: Sau khi tỉnh phê duyệt và trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao, 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã có chính sách khuyến khích cá nhân, tập thể phát triển nghề nuôi ngao, tăng cường tập huấn kỹ thuật để người dân hiểu biết về điều kiện tự nhiên, môi trường, xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống sao cho phù hợp. Vấn đề chính hiện nay của chúng tôi là tập trung giải quyết giống ngao tại địa phương. Đây là mục tiêu lớn mà Tỉnh uỷ, UBND cùng các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có thể chủ động phát triển giống ngao ngay tại địa phương, phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích nuôi ngao thương phẩm toàn tỉnh đạt 3.000 ha với sản lượng 105.000 tấn, giá trị bình quân đạt khoảng 700 triệu đồng/ha; còn diện tích ương ngao giống là 750 ha, giá trị bình quân 1,76 tỷ đồng/ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1 vạn lao động.
Với những giải pháp đồng bộ đã đưa ra, hy vọng trong năm 2012 và những năm tiếp theo, diện tích nuôi ngao không chỉ được mở rộng tại các vùng bãi triều ven biển ở Thái Thụy mà đây còn là thế mạnh phát triển kinh tế biển của Thái Bình, giúp người dân vùng biển yên tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương./.
Theo TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét