Có mặt tại các bãi nuôi thả ngao thịt, ngao giống thời điểm này ở các xã ven biển tỉnh Thái Bình, chúng tôi bắt gặp những suy tư, băn khoăn của các hộ dân về tương lai của ngành kinh tế mũi nhọn đã định hình từ vài chục năm nay. Khó khăn về đầu ra kèm theo giá trị sản phẩm ngày một xuống thấp luôn là bài toán hóc búa đặt ra trong mỗi kỳ thu hoạch.
Người nuôi ngao ở Tiền Hải, Thái Bình đang gặp nhiều khó khăn. |
Đông Hoàng là một xã ven biển của huyện Tiền Hải, có bãi bồi rộng được hình thành qua quá trình bồi lắng phù sa của sông Hồng và sông Trà Lý, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là con ngao cho năng suất hiệu quả kinh tế cao.
Trong khoảng sáu tháng đầu năm nay, quá trình sinh trưởng, phát triển của con ngao rất tốt, tuy nhiên mưa bão diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây cộng với điều kiện môi trường sóng gió của bãi triều đã gây thất thu đáng kể cho người nuôi ngao. Không những thế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tư thương ép giá nên các hộ dân càng ngao ngán.
Ông Vũ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết: "Toàn xã có 50 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 128 ha. Sản lượng ngao thịt dự kiến thu hoạch hơn 3.800 tấn, nhưng đến nay tiêu thụ được rất ít, ngao nằm chờ dưới bãi chưa xuất được còn khoảng 70% (tương đương khoảng 2.690 tấn)".
Gặp bà con trực tiếp sản xuất mới thấu hiểu được những khó khăn trong một năm rưỡi nuôi thả ngao để xuất bán ra thị trường. Đầu tiên là con giống chưa chủ động sản xuất được, rồi thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ và độ mặn không ổn định dễ gây sốc cho vật nuôi. Ngao chậm lớn vào mùa đông, chỉ phát triển thuận lợi từ tháng hai đến tháng chín hằng năm, dẫn đến thời gian nuôi kéo dài. Ngoài ra, môi trường nước bị ô nhiễm do ảnh hưởng của nước thải nông nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bươu vàng…) trong nội đồng đổ ra thường làm ngao chết hàng loạt.
Vì thế, nếu tính từ khi nhân thả con giống đến lúc thu hoạch thì sản lượng ngao luôn giảm khoảng 30% so với thực tế tính toán của mỗi hộ dân. Đầu vụ sản xuất, giá ngao giống rất đắt, khoảng 48 xu/con (tương đương 4,8 triệu đồng/kg) nhưng hiện tại giá chỉ còn 15 xu/con dẫn đến giá ngao bán ra giảm, gây thất thu cho người sản xuất.
Ông Phạm Văn Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công thương Thái Bình cho biết: "Theo báo cáo của hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, tính đến tháng 10 sản lượng ngao thịt và ngao giống thu hoạch khoảng 70 nghìn tấn, song khâu tiêu thụ hiện đang rất khó khăn. Cụ thể, từ hơn một năm nay Trung Quốc nhập khẩu với số lượng hạn chế ngao thương phẩm qua đường tiểu ngạch, nên mỗi ngày chỉ xuất sang thị trường bạn được vài chục tấn. Tiếp cận thị trường nội địa cũng không dễ vì các siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội, Sài Gòn mỗi ngày cũng chỉ bao tiêu vài tạ ngao thương phẩm, không thấm vào đâu so với số lượng vài chục nghìn tấn ngao thu hoạch thời điểm này".
Ông Hợp thông tin thêm, ngay tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Công ty nghêu Thái Bình chuyên sơ chế sản phẩm xuất đi thị trường châu Âu, song từ đầu năm tới nay cũng mới xuất được từ bốn đến năm công-ten-nơ (tương đương khoảng 80 đến 100 tấn ngao thương phẩm).
Những con số nêu trên cho thấy, số lượng ngao đang nằm dưới bãi chưa tiêu thụ được còn rất lớn. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu ngao nằm chờ quá lâu sẽ phát triển với kích cỡ lớn, ken chặt vây nuôi dẫn đến nguy cơ chết hàng loạt, ảnh hưởng đến môi trường nước và lây lan sang các bãi, đầm nuôi thả khác. Khi đó, thiệt hại cho người sản xuất không thể tính toán hết được.
Không phải đến bây giờ, tình trạng này mới xảy ra, mà các năm trước UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ngao ra thị trường trong nước và cả nước ngoài; đồng thời mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến ngao để tăng giá trị khi xuất bán, song cho đến nay chưa có kết quả rõ rệt.
Nhìn vào thực tế sản xuất ngao tại Thái Bình, có thể thấy cung đã vượt cầu cho nên đầu ra đã khó nay càng khó hơn và câu chuyện bị tư thương ép giá là điều không tránh khỏi. Qua tìm hiểu, ngao thương phẩm bán tại bãi dao động từ 11.000 đồng đến 13.000 đồng/kg, trong khi thời điểm năm ngoái là 18.000 đồng/kg.
Nhiều hộ nuôi ngao phàn nàn rằng, muốn mở rộng sản xuất nhưng ngân hàng cho vay rất hạn chế bởi nghề nuôi chủ yếu dựa vào thời tiết, vật nuôi dễ bị chết do nhiễm bệnh tảo đỏ và độ mặn trong đầm quá cao. Chính vì những rủi ro này mà các tổ chức tín dụng không mặn mà với những khách hàng nuôi ngao thịt, ngao giống tại các địa phương ven biển.
Trước những khó khăn đặt ra cho người nuôi ngao, tỉnh Thái Bình cần có chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tổ chức kết nối doanh nghiệp với người dân trong bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, cần có khảo sát, quy hoạch cụ thể việc mở rộng, phát triển diện tích đầm, bãi nuôi thả trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế của thị trường trong và ngoài nước.
Để nâng cao giá trị con ngao, đã đến lúc cần phát triển, xây dựng thương hiệu ngao Thái Bình, từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.
Bài, ảnh: Mai Tú.
Theo nhandan.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét