Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển nuôi ngao ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Bình: Sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển nuôi ngao ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015 
Sáng ngày 04/12, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Bình tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển nuôi ngao ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015. Đồng chí Đặng Đình Bình – Phó giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì Hội nghị. 
Phát triển nuôi ngao là một chủ trương lớn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích vùng bãi triều ven biển, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và của hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy nói riêng, góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương ven biển, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đ/c Đặng Đình Bình - PGĐ.Sở NN & PTNT Thái Bình phát biểu chủ trì tại hội nghị
 Sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay đã có 3.322,81 ha bãi triều thực nuôi ngao trong đó Thái Thụy là 1.063,39 ha, Tiền Hải là 2.259,42 ha. Diện tích nuôi ngao theo quy hoạch 2.472,41 ha đạt 82,4% diện tích nuôi so với mục tiêu đề ra. Năng suất nuôi bình quân đạt 22,58 tấn/ha, sản lượng đạt 75.050 tấn, đạt giá trị 375,25 triệu đồng. Chi cục quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản đã cấp 490 giấy chứng nhân xuất xứ cho 11.515 tấn ngao xuất khẩu vào thị trường EU, chiếm 15,34% sản lượng. Số hộ nuôi ngao đạt 2.708 hộ/1.759 vây nuôi.

Đ/c Trần Thế Định - PGĐ.Sở Công Thương, GĐ.TTXTTM trình bày tham luận về tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ ngao của Thái Bình
 Về sản xuất giống ngao: năm 2013, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống ngao, trong đó có 3 cơ sở sản xuất giống quy mô lớn và 7 cơ sở quy mô nhỏ đã sản xuất được 2,3 tỷ ngao bột, đáp ứng 17% nhu cầu giống ngao cho tỉnh. Số lượng còn lại khoảng 22 tỷ con giống được người dân nhập về từ nhiều nguồn khác nhau như từ Trung Quốc, Đài Loan, Tiền Giang... nên khó kiểm soát chất lượng. Địa điểm các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống ngao phù hợp với quy hoạch tổng thế phát triển nuôi ngao vùng ven biển tỉnh Thái Bình.
 Đ/c Phan Thị Tuyết Trinh - PGĐ.Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tại Thái Bình phát biểu về những chính sách ưu đãi về vốn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung diện tích bãi triều được quy hoạch để phát triển nuôi ngao phù hợp với đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi, tuy nhiên trong quá trình phát triển nuôi ngao ở một số địa phương người dân chưa tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật nên một số vùng nuôi ngao có tốc độ sinh trưởng chậm (20-25 tháng), thời gian nuôi kéo dài.
Do điều kiện nuôi ngao trong môi trường mở nên hàng năm đã xuất hiện các đợt ngao chết, thường vào các thời điểm giao mùa. Cỡ ngao chết dao động từ 500-2000con/kg, cá biệt có những hộ ngao chết đến 80%. Diện tích ngao chết từ 20-250ha.
Tại Hội nghị, đại diện một số chủ hộ nuôi ngao, Chủ tịch UBND xã Đông Minh và Thụy Trường đã kiến nghị các ban, ngành chức năng của tỉnh về cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho con ngao Thái Bình, tháo gỡ khó khăn đầu ra cho tiêu thụ ngao đặc biệt là hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài. Hỗ trợ các hộ nuôi ngao được vay vốn ưu đãi, kéo dài thời gian vay vốn, giảm thuế cho thuê đất bãi thả ngao.
 Đ/c Vũ Tiến Thiện - Chủ tịch UBND xã Thụy Trường - huyện Thái Thụy phát biểu tham luận tại hội nghị
 Đại diện một số sở, ngành đã giải đáp kiến nghị. Trong đó, đối với ngành Công Thương, đồng chí Trần Thế Định – Phó GĐ Sở đề nghị mỗi huyện cần thành lập hội nuôi ngao để tập hợp những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất đến các sở, ngành giải quyết kịp thời. Tổ chức hướng dẫn cho các hộ nuôi ngao tuân thủ đúng quy trình nuôi thả, đảm bảo chất lượng ngao thương phẩm từ đó ngành sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu ngao Thái Bình. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ ngao trong và ngoài nước cho các hộ nuôi ngao thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do ngành Công Thương tổ chức...đặc biệt là cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá một cách sâu rộng để thay đổi nhận thức của người dân chấp hành tốt các chủ trương của pháp luật, tránh vi phạm, lấn chiếm đất nuôi ngao không theo quy hoạch gây mất an ninh trật tự xã hội.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Đình Bình nhất trí về kết quả đã đạt được và nguyên nhân tồn tại tại Báo cáo đã nêu. Đề án đã khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng bãi triều trong phát triển kinh tế biển, đáp ứng được nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương ven biển, hình thành được vùng nuôi ngao tập trung theo quy hoạch, thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tại ra sản phẩm hàng hóa đủ chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm cho trên 3 nghìn lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động theo thời vụ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ven biển và tăng thu ngân sách cho Nhà nước. 
Nhìn chung sản lượng nuôi ngao những năm gần đây có xu hướng tăng nhưng sản phẩm ngao thu hoạch có chất lượng chưa cao (ngao thu hoạch nhỏ 70-80 con/kg, ngao gầy) trong khi hiện nay tình hình tiêu thụ ngao đang gặp khó khăn do tỉnh ta mới có 1 nhà máy sơ chế, chế biến ngao với công suất nhỏ, hàng năm giải quyết được khoảng 15-30% số lượng ngao thương phẩm, số còn lại trên 70% sản lượng sản phẩm phụ thuộc vào thương lái thu mua xuất bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. 
Vì vậy, để đảm bảo phát triển nuôi ngao của tỉnh mang tính bền vững, mang lại giá trị kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai đề tài, dự án, xây dựng mô hình, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, ương nuôi ngao theo quy trình VietGap. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng hướng dẫn liên ngành về cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Triển khai thực hiện thông tư 53/ TT-BNN về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, khuyến khích nhân dân đầu tư sản xuất phát triển nuôi ngao. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng giảm lãi suất vốn vay, tăng hạn mức cho vay và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển nuôi ngao.
TTXTTM

Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Liên hệ

Nếu có bất kì thắc mắc tại sao bạn không liên hệ ngay với chúng tôi



Website được xây dựng bởi Trí Nguyễn