Khi nói về kinh tế biển của Thái Bình thì không thể không nhắc đến lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản với tiềm năng và triển vọng lớn là nuôi ngao. Do ảnh hưởng dòng chảy của các cửa sông chính: Sông Hồng, sông Trà Lý và sông Hóa đã tạo ra vùng bãi triều rộng khoảng 25.000 ha, trong đó có khoảng 7.000 ha có thể phát triển nuôi ngao. Hệ thống các cồn ngầm và bãi trước cửa sông do bồi tụ hình thành hàng năm tạo nên bãi biển thuận lợi, giảm thiểu ảnh hưởng của sóng to, gió lớn đến vùng bãi triều, là môi trường thuận lợi cho phát triển nuôi ngao, một phần diện tích đầm trong và ngoài đê có thể cải tạo chuyển sang nuôi ngao được. Sản phẩm ngao nuôi trong tỉnh không những tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu.
Thực tế sản xuất những năm qua đã chứng minh rằng con ngao rất thích hợp với môi trường vùng bãi triều nơi đây, tỷ lệ sống cao, béo mẩy, đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm nghề nuôi ngao đã tạo việc làm cho khoảng 1200 lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận. Kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, chu kỳ ngắn, đầu tư không nhiều. Nuôi ngao còn góp phần làm sạch môi trường đáy vùng triều ven biển. Cũng từ những lợi thế này, nông dân 2 huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đã đầu tư nuôi trồng thủy sản, trong đó có con ngao được đánh giá là mang lại nguồn lợi cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của ngành thủy sản. Nghề nuôi ngao dần dần trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự sống, sự phát triển và khả năng sinh sản của ngao. Để cho ngao tồn tại và phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng cần phải đảm bảo những yêu cầu về môi trường đất, nước, khí hậu phù hợp.
- Môi trường đất: Ngao thường sinh sống trên các bãi biển, trong các eo vịnh có đáy là cát pha bùn (cát chiếm 60-80%), sóng gió nhẹ. Những nơi đáy có lượng bùn nhiều thì ngao dễ bị chết ngạt. Chân ngao phát triển để đào cát vùi mình xuống dưới. Để hô hấp và lấy mồi ngao thường thò vòi nước lên mặt bãi hình thành một lỗ hình bầu dục màu vàng nhạt, nhìn lỗ có thể biết được chỗ ở của ngao. Vòi ngao ngắn nên không thể chui sâu, thường chỉ cách mặt đáy vài cm. Trời lạnh ngao xuống sâu hơn nhưng không quá 10 cm. Đối với các đầm nuôi ngao: Việc lựa chọn bãi phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm thực tế và phải đảm bảo bãi triều cao, sóng gió êm, mực nước vừa đủ, tỷ lệ đáy bùn cát phù hợp, nhiệt độ phải được theo dõi thường xuyên, vệ sinh đầm bãi để tạo môi trường sạch sẽ cho ngao phát triển và sinh sản.
- Môi trường khí hậu: Lượng mưa, nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và hàm lượng thức ăn của ngao. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm ở miền Bắc lớn dễ làm tảo chết và mất đi nguồn thức ăn phù du cho ngao. Chế độ nhật triều không ổn định, tăng thời gian phơi bãi hơn 8 giờ/ngày, nắng nóng khiến nước bốc hơi, độ mặn cao dễ làm ngao “sốc mặn” mà chết. Thời gian dài không có mưa sẽ làm độ mặn tăng lên, nhiệt độ thay đổi và thiếu thức ăn. Khi trời mưa, hàm lượng phù sa đổ ra biển, đó cũng là nơi chứa phù du và thức ăn khác cho ngao.
- Môi trường nước: Trong môi trường tự nhiên nếu độ mặn biến đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sống của ngao. Những vùng bị nước lũ kéo dài có thể làm cho ngao bị chết hàng loạt. Đối với các đầm nuôi ngao, do vị trí địa lý của Thái Bình gần các cửa sông Hồng, sông Trà, sông Lân nên nếu điều phối nước không hợp lý, độ mặn tăng giảm đột ngột cũng ảnh hưởng lớn đến ngao giống. Ngoài ra việc nuôi ngao liên tục, không có thời gian cho bãi nghỉ và chu kỳ nuôi ngao quá dài, dẫn tới ngao to, sức chịu đựng kém hơn.
Con ngao đươc coi là loại thức ăn bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe của con người. Ngao được chế biến thành nhiều các món ăn thú vị như: món ngao nướng, món ngao hấp sả hoặc lá chanh, món cháo ngao, món ngao xào rau muống. Thịt ngao Đông y gọi là xa ngao nhục, tính hàn, vị ngọt mặn, tiêu khát, tư âm, lợi thủy, thịt ngao giàu kali tốt cho tuyến giáp và tăng cường hệ miễn dịch. Theo các nhà nghiên cứu thì các hợp chất như daspartic và N-methyl-D-aspartate giúp kích thích tạo ra testosterone và oestrogen ở con người mỗi khi ăn. Khi nồng độ các hooc môn này trong cơ thể tăng thì nhu cầu hoạt động sinh lý cũng tăng theo. Đó là lý do tại sao mà ngao được gọi là “viagra” thiên nhiên. Đông y gọi vỏ ngao là văn cáp, cáp xác hay hải cáp phấn, chứa canxi với hàm lượng cao dưới dạng muối cacbonat, phosphat và sulfat. Dược liệu có vị mặn, tính bình, thanh nhiệt lợi thấp, mát gan.
Ngoài ngao thương phẩm, Thái Bình đang tiến tới còn là vùng chủ động nuôi ngao giống để cung cấp cho một số tỉnh khác. Tuy mới chỉ phần nào đáp ứng nhu cầu thực tế về giống nhưng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nông dân tham gia phát triển sản xuất.
Để phát huy những tiềm năng và hiệu quả có được từ con ngao góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời để khẳng định giá trị về chất lượng và dần đưa sản phẩm ngao có tính cạnh tranh cao trên thị trường thì cần có những chính sách bảo hộ tránh giả mạo, lạm dụng thương hiệu gây mất uy tín đối với sản phẩm. Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Ngao Thái Bình là cơ sở cho một nền sản xuất bền vững, trong đó giá trị về mặt chất lượng được đánh giá và được tôn vinh có sự giám sát, bảo hộ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét